Truyền thuyết về bãi đá chồng ở Cù Lao Chàm
Vì sao chỉ có Đá Chồng mà không có Đá Vợ.
Chuyện kể rằng vào thời xa lắc xa lơ, đã lâu lắm rồi, thuở ông bà còn để chỏm, ở đất liền trù phú dân dã sống bình yên. Như mọi nhà, dưới mái tranh êm đềm có cặp vợ chồng nghèo. Do cả hai bên có chồng đều mất sớm vì đi biển gặp bão, những người vợ trẻ của họ ráng cắn răng chịu khổ nỗi cô đơn mất chồng để nuôi con khôn lớn. Bởi cùng cảnh ngộ nên cặp đôi trai gái đến với nhau tự nhiên và thề yêu nhau đến trọn đời. Chàng trai có bộ ngực vạm vỡ và sức khoẻ vượt trội hơn hẳn mọi trai làng. Cô gái có nước da trắng như trứng gà mới bóc. Khuôn mặt bầu bĩnh cùng mái tóc dài thuôn thả bồng bềnh làm tôn thêm vẻ yêu kiều của nụ cười luôn tươi rói trên môi. Vẻ đẹp của nàng được người trong làng từ già tới trẻ truyền tai nhau không chỉ vang xa hàng vạn dặm trên đất liền mà còn theo từng con sóng nước truyền đến tai Thần Biển. Ngày cưới của hai người được ấn định vào ngày đẹp trời. Cả làng đều mong cho họ răng long đầu bạc hạnh phúc trăm năm. Rồi ngày đứng trước bàn thờ gia tiên cũng đã đến, hai người ước nguyện mãi mãi không rời nhau. Bỗng đâu trời nổi giông gió, cát bụi mù mịt mọi người không thấy mặt nhau. Đất dưới chân rung rinh như muốn lún sụp thành vực thẳm. Trong bóng bão cát nhập nhoà hiện rõ gương mặt hung tợn của thần biển cùng tiếng nói chói lói lỗ tai: Ai có gan tìm được nàng ta sẽ trả. Cô gái bị cướp đi trong tiếng gầm rú ghê người. Sau phút hoảng loạn mọi người cùng nhận ra rằng vì mê đắm nhan sắc nên Thần Biển đến cướp cô gái về phục dịch trong Thủy cung.
Bỗng dưng mất nàng, lòng chàng trai đau như muối xát, giữ lời thề son sắt xưa, được sự giúp sức của dân làng, chàng trai nín nhịn nỗi đau chia tay hai người mẹ thân yêu quyết chí đi tìm cứu vợ, thề rằng không gặp không về, nếu đuối sức ở đâu thì chết tại đấy. Một mình một ghe, lương khô lót bụng, lấy gió làm bạn, lấy mưa nắng che mình. Trải bao khó khăn, thử thách rồi một ngày kia, chàng bị bão tố nổi lên đánh bạt vào bãi đá một hòn đảo. Sức người có hạn, đói khát và nỗi đau mất vợ cùng cùng sự thất vọng cô đơn xúm lại quật ngã chàng. Trời sáng, ánh dương dần chói chang cả vùng biển đẹp. Ráng đứng lên hướng nhìn đất liền, tạ lỗi với dân làng về niềm tin mà họ đã gửi gắm, chàng đứng sững trút hơi thở cuối cùng. Dân trên đảo gần đấy nghe tiếng kêu ai oán kế sau tiếng sét rung trời. Thì ra mến trọng lòng chung thuỷ và sự chịu đựng thử thách của chàng, Ngọc Hoàng Thượng Đế đã cho chàng hoá đá để mãi nhìn về quê hương trong khắc khoải thương đau vì lời thề chưa trọn. Về sau lâu dần, hình chàng được mưa gió bào mòn thành hòn đá chồng lên nhau như hình người bé nhỏ, đang trong cơn đau khổ tuyệt vọng nên được gọi là Đá Chồng, bãi đá có hòn đá ấy cũng được gọi là Bãi Đá Chồng. Cũng có người nói do hòn đá nhỏ chồng lên hòn đá lớn nên gọi Đá Chồng.
Ông bà xưa kể rằng mấy thày Phong thuỷ người Tàu nói nếu đứng từ đây nhìn về Hội An thấy Cửa Đại và Hòn núi Chúa ở Khu Thánh địa Mỹ Sơn là một đường thẳng. Đấy là hướng Phong Thuỷ hợp cung Càn Khôn như là sự định đoạt hài hoà của Trời và Đất. Bởi thế Cù Lao Chàm vốn dĩ là đất linh nhưng đất vùng này còn là tụ điểm địa linh ít nơi bì được. Cũng có người nói vùng đất Bãi Chồng là trái tim của cả hòn Biền, hòn Lao nên mọi hoạt động ở đây phải cẩn thận lắm mới có kết quả tốt.
Đã có một thời bọn cướp biển người Tàu thường chọn nơi Bãi Chồng làm nơi giấu tàu để lùng cướp, trấn lột những lái buôn chân chính đến với cảng Hội An nên bãi cát gần Đá Chồng còn có tên Bãi Tàu. Nhưng có điều lạ là những tàu của bọn người làm điều phi nghĩa khi đậu ở đây sau đó ra biển thường gặp nạn, không sóng lớn đánh vỡ tàu thì cột buồm cũng bị bẻ gãy, ít gặp bình an.
Với người lương thiện thì lại hay gặp may. Ai có lòng trước khi ra biển mà lên thắp hương van vái sẽ dễ trúng lớn. Cá ở đâu không biết cứ về bơi hàng đàn quanh ghe để mọi người chỉ việc khoắng vợt xuống hớt lên. Chuyện xưa kể rằng ông Trùm Cải ở Bãi Làng có đứa con gái mới đẻ được hơn năm nhưng hai chân cứ bắt chéo nhau không dứng lên được mới sai vợ bồng đến đây neo ghe ngủ qua đêm, một lòng cầu khẩn thề thốt. Gần sáng bỗng một ông già râu tóc bạc phơ tay cầm cái gậy ngọc Như Ý đến gõ gõ vào chân con bé nói cha mày là Trùm, có lần làm ác mới đẻ ra mày dị tật, nay biết hối muốn làm điều lành, một lời cầu khẩn nên ta giúp đây, dậy mau, dậy mau, nói rồi biến mất. Mẹ con bàng hoàng trở dậy thấy chân con bé lành lặn không ngờ. Từ đấy không mấy ai dám làm ác ở Bãi Làng và ông Trùm Cải thì một lòng làm việc thiện, nghe nói sau này nhân chuyến du hành của một vị quan trong triều đến đảo qua tiếp xúc, lại nghe dân chúng một lòng khen ngợi nên thấy yêu mến bèn đưa về kinh cho làm chức lớn. Thỉnh thoảng sau đó, ông Trùm Cải vẫn đưa vợ con về thăm đảo và cho tiền giúp nhiều người nghèo vượt qua cơn khó. Về sau nghe nói ông Trùm chết già ở kinh còn con gái lớn lên nổi tiếng xinh đẹp và được làm dâu nhà quyền quý sung sướng cả đời.
Lại cũng hay tương truyền rằng vùng này linh lắm. Ai có người yêu, có chồng, vợ bị phụ bạc, hoặc chẳng gặp may chuyện lứa đôi trong đời, cứ đến đây thầm thì nguyện ước là qua vận rủi, còn nếu không, cũng thoả được niềm ưu tư để cuộc đời xuôi chèo mát mái.
Truyện tích về Bãi Chồng ở Cù Lao Chàm qua nhiều người truyền xa đến tận Quảng Ngãi, Bình Định đều biết. Cũng có khi được thêu dệt thêm nhiều tình tiết đau lòng đầy thương cảm nhưng đều có hậu. Cũng lại có chuyện kể rằng sau khi chết, chàng trai và cả cô gái được Ngọc Hoàng cho diện kiến để thử lòng bằng cách hỏi nguyện vọng muốn được sinh vào nhà quyền quý cao sang hay muốn đầu thai trở lại làm vợ chồng để thỏa nguyện ước ba sinh, dù có phải sống nghèo. Trong hai chỉ được quyền chọn một. Cả hai đều nhất quyết xin được sống với nhau cho trọn lời thề xưa, dù có phải bần hàn. Rồi Ngọc Hoàng cũng không nỡ nên đã cho họ tái sinh trở thành cặp vợ chồng vừa giàu có vừa nổi tiếng yêu thương nhau hết mực, nghe nói là cặp vợ chồng mẫu mực số một trên thế gian này. Mỗi khi được nghe kể mọi người đều chép miệng ao ước, phải chi mình được một góc của họ và cố tìm dịp để vượt sóng nước đến với Bãi Chồng, Đá Chồng và Cù Lao Chàm đầy ắp những truyền thuyết. theo Hoianheritage
Một số hình ảnh về Bãi Đá Chồng