Hiện trạng rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Là một khu bảo tồn biển nổi tiếng bởi sự đa dạng sinh học có nhiều giống loài quý hiếm, tuy nhiên những năm gần đây với lượng khách du lịch đến Cù Lao Chàm ngày càng tăng thì áp lực khai thác trên vùng rạn san hô là rất lớn làm cho rạn san hô phục hồi chậm ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng cho hệ sinh cảnh biển tại Cù Lao Chàm. Hầu hết các tour , du lịch Cù Lao Chàm đều có các hoạt động lặn ngắm san hô
Tiếp bước thành công từ chương trình giám sát đa dạng sinh học do Hợp phần sinh kế bền vững bên trong và xung quanh khu bảo tồn biển (Hợp phần LMPA) năm 2010, 2011 và các hoạt động giám sát của những năm trước từ Viện Hải dương học Nha Trang, ngoài ra nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giám sát. Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đề xuất chương trình giám sát đa dạng sinh học nhằm duy trì các kết quả đạt được và theo dõi tình trạng rạn một cách khoa học và phù hợp nhất.
Trong rất nhiều công cụ liên quan đến quản lý các khu bảo tồn biển, giám sát đa dạng sinh học rạn san hô theo phương pháp kiểm tra rạn (hay gọi là Reefcheck) là một công cụ hữu hiệu đã và đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Đây là phương pháp được xây dựng bởi các nhà khoa học quốc tế về sinh học biển để giám sát đa dạng sinh học rạn san hô từ năm 1997 nhằm trả lời câu hỏi: “Hiện trạng san hô trên thế giới đang ở tình trạng như thế nào?”. Phương pháp này có tính ưu việt là: đơn giản, dễ sử dụng, có thể dạy cho các tình nguyện viên trong cộng đồng có khả năng lặn tốt; rẻ tiền, không cần nhiều kiến thức về sinh học biển. Xuất phát từ tính ưu việt của phương pháp và nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, những người chuyên khai thác thủy sản, trong đợt giám sát năm 2012, ngoài các cán bộ chuyên môn của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm còn có sự tham gia của 02 cộng đồng dân cư địa phương.
Trước đợt giám sát các thành viên của nhóm đã bắt tay vào chuẩn bị tất cả các nội dung sẽ thực hiện (bảng biểu thông tin, dụng cụ sử dụng ghi chép dưới nước, địa điểm khảo sát….) và đặc biệt nhóm được sự hướng dẫn, hỗ trợ một cách nhiệt tình, khoa học của chuyên gia đến từ Viện Hải dượng học Nha Trang. Sau đó nhóm tiến hành giám sát thực tế 07 ngày bắt đầu từ cuối tháng 6/2012 với phương pháp và cách thức chuẩn như Reefcheck.
Một số nhận xét về độ phủ san hô.
Độ phủ san hô tại Cù Lao Chàm theo Chou et al (1996) năm 2012 ở mức khá, > 25%, có khả năng phát triển thêm nếu được bảo vệ tốt. Tại Hòn Lá, độ phủ san hô ở mức tốt (50%), tại 02 đới cạn và sâu cũng ghi nhận sự xuất hiện của san hô chết vỡ vụn (RB). Riêng tại khu vực Bãi Bắc, Bãi Bìm, Bãi Hương, Hòn Tai ở mức yếu và giảm so với năm 2011.
Độ phủ san hô cứng và mềm ở tại Cù Lao Chàm theo số liệu khảo sát có sự khác biệt, san hô mềm có xu hướng tăng nhẹ (3%) và ngược lại san hô cứng giảm nhiều (7,5%) so với năm 2011. Một số điểm khảo sát có độ phủ san hô cứng sống cao như Đâu Tai, Hòn Khô đa số những điểm này thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt được quản lý tốt bởi lực lượng tuần tra và cộng đồng. Tại Hòn Tai tỷ lệ san hô sống cứng giảm mạnh gần 20%.
Nhìn chung độ phủ san hô trong toàn Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm năm 2012 (26,4%) giảm so với năm 2011 (30%) nhưng không ở mức sai khác đáng kể và vẫn đang có sức khỏe khá.
Các loài cá rạn san hô được lựa chọn là nhóm chỉ thị cho việc khai thác quá mức, có thể làm thực phẩm hoặc làm cảnh. Kết quả cho thấy mật độ của các loài cá chỉ thị đều ở mức thấp ở tất cả các điểm khảo sát. Kết quả này bao gồm cả các nhóm cá mú, cá mó ở kích cỡ trưởng thành. Với cá mú trung bình số cá thể đếm được ở kích thước trưởng thành cho mỗi đoạn 20 m của mặt cắt gần như không bắt gặp. Điều đó cho thấy áp lực khai thác là rất lớn đối với loài cá khá phổ biến trong rạn san hô này.
Một số nhóm cá chỉ thị có giá trị kinh tế cao khác như cá kẽm, cá hồng, cá chình, bàng chài gù, cá mú gù, đều bắt gặp với mật độ rất thấp (trung bình < 2 cá thể/100m2), riêng cá mó có mật độ cao hơn khoảng 3 cá thể/100m2, đặc biệt cá mú gù không bắt gặp tại thời điểm khảo sát. Các loài cá mú nhóm kích thước lớn hơn 30cm tăng nhẹ.
Các loài giáp xác đặc trưng trong rạn như: tôm bác sỹ, tôm hùm…tại thời điểm khảo sát đều ghi nhận sự có mặt, tuy nhiên mật độ ở mức thấp và giảm so với năm 2011 khoảng 0,6%. Các loài ốc đụn (ốc nón) và trai tai tượng có mật độ thấp nhưng vẫn giữ nguyên mức như năm 2011 (trung bình 2 cá thể/100m2).
Hải sâm là một trong những động vật da gai tiêu biểu nhất trong rạn san hô, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 2000 đến nay, khi nói đến hải sâm của Việt Nam thì không thể không nhắc đến Cù Lao Chàm. Qua số liệu khảo sát năm 2011 và năm 2012 thì mật độ hải sâm tương đối cao (năm 2012 trung bình 4 – 6 cá thể/100m2). Mật độ hải sâm cao nhất tại Hòn Khô, Hòn Lá những nơi được bảo vệ tốt và sinh cảnh phù hợp với vòng đời sinh trưởng của nó.
Số cá thể và tần suất bắt gặp sao biển gai rất thấp, đây là một tín hiệu tốt. Bởi vì sao biển gai là địch hại đối với san hô, chúng có thể phá hủy một diện tích san hô rộng lớn trong khoảng thời gian rất ngắn. Ở nhiều vùng có rạn san hô, việc thu gom sao biển gai được diễn ra định kỳ hoặc khi phát hiện dấu hiệu số lượng cá thể tăng lên nhằm hạn chế tác hại đến rạn san hô, hệ sinh thái rạn. Sao biển gai xuất hiện nhiều ở Bãi Bắc, Hòn Tai, Hòn Mồ, Hòn Dài, một số nguyên nhân có thể lý giải việc này như: nguồn thức ăn dồi dào, nguồn nước bị ô nhiễm tại một số vùng do hoạt động du lịch…Theo số liệu khảo sát năm 2012 thì mật độ sao biển gai trong toàn vùng không thay đổi nhiều so với các năm trước, tuy nhiên tại nhiều vùng khác nhau thì mật độ có sự khác nhau giữa 2 năm 2011 và 2012.
Kết luận:
Theo BQL KBTB Cù Lao Chàm và Một số hình ảnh San Hô Cù Lao Chàm