Di tích Bãi Ông nằm ở thôn Bãi Ông – xã Tân Hiệp, thuộc Hòn Lao cụm đảo Cù Lao Chàm, có tọa độ địa lý 15015’15”- 15015’20” vĩ độ Bắc, 1080 23’10” kinh Đông, cách trung tâm Khu phố cổ Hội An chừng 19km về hướng Đông Đông – Nam.
Di tích được phát hiện, đào thám sát 4m2 vào tháng 5/1999 và khai quật 16 m2 vào tháng 5/2000. Lớp đất chứa vết tích văn hóa dày khoảng 120cm chia thành hai tầng:
–Tầng văn hóa 1: Từ 00 – 40cm có hiện vật gốm – sứ khung niên đại thế kỷ VIII -X. Trên bề mặt hiện vật muộn hơn (từ thế kỷ XVII -XVIII).
Lớp vô sinh: từ 40 cm – 50cm, cát vàng sáng, một số nơi bị nhiễm ô-xít sắt.
–Tầng văn hóa 2: Từ 50cm – 120cm, có nhiều cụm gốm lớn nhỏ phân bố khá dày đặc, xen kẽ nhiều viên cuội; công cụ đá mài (rìu có vai, rìu tứ giác, lưỡi ghè, bàn mài nhiều loại); công cụ từ cuội (hòn kê, chày, hòn đập, bàn nghiền, dụng cụ miết gốm, chì lưới…); và kim bằng xương, xương cá, răng hàm cá, mảnh nhuyễn thể, hạt cây, than tro… Gốm ở đây chất liệu thô, xương gốm bở, pha nhiều cát, sỏi nhỏ. Chúng là những mảnh nồi, bát bồng (có chân đế cao hoặc thấp). Thân trang trí văn thừng (thô, mịn), vành miệng thường trang trí đồ án văn in mép vỏ sò, khắc vạch hình răng sói, hoặc khắc vạch đồ án hình chữ S giữa có tam giác đệm hoặc in mép vỏ sò với nhiều đồ án khác nhau… Niên đại C14 của di tích này: 3100 – 60 BP .
Đây là khu di tích của cư dân thời Tiền sử (hay “Tiền Sa Huỳnh”) nằm trên đảo khơi. Kết quả khảo cổ học ở đây, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan tới giai đoạn chuyển biến từ “Tiền Sa Huỳnh” sang “Sa Huỳnh” ở khu vực miền Trung – Việt Nam đang được nhiều nhà khoa học quan tâm. Đồng thời góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu về thời Tiền sử ở Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng.