Di tích, dấu tích cách mạng trên Cù Lao Chàm. Nói đến địa danh – di tích, danh thắng Hang Cây Chọi, Chùa Hải Tạng, Hang Mái Nhà, Lăng Mũi Thờ (Hòn Lao), Lăng Cây Dông (Hòn Dài) là nhiều người dân ở Cù Lao Chàm đều cảm phục sâu sắc và hết lời ca ngợi, lưu truyền về hình ảnh, tên tuổi các chiến sĩ cách mạng trong “Tổ công tác đặc biệt của Thị xã Hội An” và bởi nơi đây vào những năm 1966 – 1974 là địa điểm các chiến sỹ cách mạng ẩn nấu, hoạt động liên lạc trao đổi công tác, chiến đấu ngoan cường với quân thù.
Những câu chuyện về người Chiến sỹ Cách mạng được người dân nơi đây luôn kể lại cho nhau nghe đó là những người thật giản dị, nhưng có bầu nhiệt huyết và trái tim nồng cháy với tình quê hương, nghĩa đồng bào và lòng yêu nước sâu sắc. Đây cũng là ý chí, động lực thôi thúc họ bất chấp hiểm nguy trước mọi sự rình rập của kẻ thù, dám xả thân cho sự nghiệp cách mạng ngay chính trong hoàn cảnh lúc ấy, Hội An tràn ngập các sắc lính của Mỹ, ngụy, quân chư hầu và sự kiểm soát ngặt nghèo của Giang đoàn Duyên hải cùng Trung tâm huấn luyện biệt kích Mỹ đặt ngay ở Bãi Bìm Cù Lao Chàm được trang bị phương tiện chiến tranh tối tân. Các chiến sĩ cách mạng trong vòng tay thân yêu che chở của nhân dân, họ thường xuyên lặn lội băng rừng, vượt suối, vượt biển hoặc ngụp lặn ngâm mình gian nan dưới những ghềnh đá để đem tình cảm cách mạng nồng ấm đến với từng người dân Cù Lao Chàm, kết nối tấm lòng dân và cả binh lính địch đến với cách mạng. Họ đã tuân thủ tốt chủ trương của Thị ủy, không bạo động và dùng nơi này xây dựng cơ sở để hỗ trợ kinh tế, tài chính cho các cơ sở cách mạng khác trong đất liền và làm bàn đạp, tạo thuận lợi cho các trận đánh vào các căn cứ lớn của Mỹ, Nam Hàn quanh phố Hội An. Những chiến công của Tổ công tác đặc biệt này đã góp phần làm nên cuộc tổng tấn công nổi dậy giải phóng toàn miền Nam năm 1975, huy động lực lượng truy bắt các phần tử phản cách mạng, tổ chức Uỷ ban Quân quản thôn Tân Hiệp giành giữ và quản lý nguyên vẹn cả một vùng đảo rộng lớn của quê hương.